Thursday, March 31, 2011

PHẬT HỌC

1. Phật học : đạo như thật.
      Chúng ta nên tìm dò một vài điểm chính của Phật học. Chữ học ở đây nên hiểu như chữ học trong những chữ khoa học, triết học, tức là một hệ thống học thuyết chuyên môn của Phật đà.
      Trước hết, một trong những điểm chính của Phật học là chỉ nói những sự thật của vật có, chứ không nói theo những cái của mình quan niệm. Nên Phật học là cái học như thật (như thật đạo)
      Nhưng đâu là giới hạn của sự thật ? Cái bàn của nhãn quang thấy, cái bàn ấy không còn nữa đối với quang tuyến. Sự thật mà ta cho là thật, chỉ như cái nóng của cơn sốt mùa lạnh, cái lạnh của cơn rét mùa nóng. Cái ta cảm giác được không hoàn toàn là có, mà cái ta không cảm giác được vị tất đã không. Cái không cái có của con người không phải là cái không cái có của con vật, mà có khi còn trái lại. Không có cái gì có một cách tuyệt đối, không có cái gì không một cách tuyệt đối, trong khi sự vật luôn luôn chuyển biến không lường. Vậy không có cái gì thật tuyệt đối, đó là sự thật. Nên khế kinh có câu : “Biết rõ ràng nhưng sự thật là không thật gì hết, nên nói là không chứ không phải không biết” – kinh Lăng già.
      Nhưng khế kinh lại còn dạy : “sự thật không thật là chỉ như đò đi bờ chạy”.- kinh Viên giác. Ý nghĩa của câu kinh ấy là : sự thật là sự thật, cái không thật chỉ vì “vọng kiến” không thật khác nào chiếc đò đi mà lại thấy bờ chạy, trong khi sự thật không di chuyển chút nào hết.
2. Phật học : đạo phá trừ triệt để.
      Bởi Phật học là đạo như thật chỉ nói những điều đúng như sự thật cho nên những cái gì của vọng kiến thì thiết ra thì Phật học đều phủ nhận hết.
      Nhưng “vọng kiến” là gì ? chữ kiến ở đây bao gồm hết thảy ý niệm, quan niệm, cảm giác, tư duy, thành kiến, cố chấp, thường thức tập quán, tín ngưỡng, lý đoán, nói chung là “phân biệt”. Nhưng, những sự phân biệt ấy, hoặc như màu sắc của kính màu ngó ra ánh sáng, hoặc như vòm trời của con nhái dưới đáy giếng thấy, hoặc hào nhoáng như kính hiển vi phóng đại ra, hoặc hẹp hòi như máy nhiếp ảnh thu nhỏ lại, hết thảy đều hư vọng không như thật, nên gọi là vọng kiến. Và cái vọng kiến băng sương ấy sẽ tan nát rã rời hết, một khi đụng chạm với ánh sáng mặt trời Phật học.
      Phật học cho ta thấy gì ? với lý thuyết “vô thường”, nó tố cáo trên thời gian vạn vật chỉ là tương tục giả (những dòng sinh diệt). Với lý thuyết “vô ngã” nó chỉ định cho ta thấy trên không gian, vạn vật chỉ là hòa hợp giả (những thể tổ hợp). Bởi chỉ là hòa hợp và tương tục, cho nên từ tâm thức cho đến thân thể, từ thân thể cho đến vũ trụ, từ vũ trụ thật tại cho đến vũ trụ trừu tượng, thảy thảy đều không tự tánh (tự tánh : cá thể hay đặc tánh).
      Sự phá hoại của Phật học thiệt không còn gì nữa. nó phủ nhận hết thảy sự tồn tại của từ một đơn vị cực vi cho đến cả vũ trụ đồ sộ, nó phá vỡ sự sống còn của từ một tế bào cho đến một cơ thể.
      Nói tóm, cái gì “có” thì đều tiêu tan hết dưới sự quét trừ của Phật học, như lá vàng trước cơn gió mùa thu.
Cái “Có” thật sự còn bị phá hoại như thế huống chi những giả ảnh tưởng tượng ra? Gần đây có một số tín đồ Phật giáo mà, tuy không thừa nhận thượng đế theo quan niệm nhân cách hóa, nhưng lại cố chấp thượng đế theo quan niệm Phiếm thần luận.
      Thượng đế có hay không ? Phiếm thần thật hay giả ? cái đó không phải của Phật học, nên đứng về phía Phật học, ta không cần đả động đến. nhưng đã là tín đồ Phật giáo mà thừa nhận thượng đế, dù là thừa nhận theo quan niệm Phiếm thần luận, tin rằng thượng đế không phải là một đấng nhưng là một thể phổ biến, sinh hóa và chi phối vạn vật, thì cũng như chủ trương “linh hồn bất diệt”, bản thể thuần túy, chỉ là cái ngã chấp của Thắng luận vậy, chứ không phải nào là Chánh pháp ?
      Ở đây cũng nên nói cho rốt ráo. Những người thừa nhận thương đế theo quan niệm Phiếm thần luận như vậy nếu là đúng, nghĩa là cái họ hiểu là cái thể phổ biến thanh tịnh tuyệt đối in như Chân như (và họ cũng thường phụ họa như vậy để chống chế), thì sao không gọi hẳn là Chân như cho danh đúng thật, mà cứ gọi là thượng đế để núp dưới danh từ và quan niệm ấy cất đậy một ông trời mà thâm tâm họ tín ngưỡng ? hay họ bảo miễn cái thật hiểu cho đúng thì thôi chứ cần chi danh từ ; nếu thế sao họ cứ khư khư giữ cái tên thượng đế ?
Cho nên một người học phật phải hiểu rằng ở Phật học tiêu trừ hết thảy không còn dung chứa một cái gì hết.
3. Phật học : đạo kiến thiết tất cả.
      Không khí không lọc thì không thể hít thở, đám đất không san phẳng thì không thể làm nhà được. Một lẻ gỗ nếu không cưa xẻ thì không ghép đóng lại àm được cái gì. Cho nên hiện tiền toàn vọng tức chân, nhưng phải phá hoại tất cả, phủ nhận hết thảy, mới kiến thiết một cách tốt đẹp và vững chãi.
      Phật học là cái học đứng lên trên và đầy đủ tất cả mọi phương diện, mà phương diện nào cũng như thật. nó là cái học kiến tạo tất cả.
      Nên một người học phật, điều cần thiết là phải tin ở năng lực sáng tạo của tâm trí, tin ở sự định đoạt của hành vi. Phải hiểu bao nhiêu kết quả của qua khứ và hiện tại, ta đều có trách nhiệm, và cục diện tương lai thế nào là hoàn toàn do ta định đoạt.
Phật dạy : “ Tâm đem thế gian đến
                    Tâm kéo thế gian đi
                    Như bánh lăn theo trục :
                    Vũ trụ chuyển theo tâm.”
      Một người phật tử là một viên ngọc Ma ni lớn, mỗi cạnh mỗi khía đều ánh chiếu một màu sắc. Không thấy sao, trong 32 ứng thân của đức Quán thế âm, thân phụ nữ ngài làm nhiều đã đành, mà thân các súc vật ngài cũng không bỏ. Cho nên hết thảy phương diện cuộc đời mà cần thiết cho mình, cho gia đình và cho xã hội mình sống, thì phật tử đều phải làm, làm nhiều hơn và hay hơn ai cả. một lớp bụi nhớp trên đường đời hay một tiếng rên khóc trong túp nhà tranh, phật tử đều có trách nhiệm : trách nhiệm đã gây ra và trách nhiệm phải chữa lại.
      Nhưng không phải phật học bắt buộc con người phải hoàn toàn, mà chỉ đòi hỏi nơi ta một sự tròn bổn phận.
      Dẫu làm cha mẹ hay ở địa vị con cái, dầu làm nghề nghiệp hay buôn bán, dầu đứng trên địa hạt tại gia hay trong phạm vị xuất gia, làm gì cũng được và phải nhận lấy một việc làm. Có điều bao giờ cũng phải để chữ Như thật, chữ hợp lý lên trên hết là được, là Phật học.
      Khế kinh dạy : cây giác ngộ phải mọc giữa đám đất đau khổ, lấy chúng sanh làm gốc, lây lòng thương bao la làm nước tưới mới có hoa quả trí tuệ. Lại dạy
                       “Phật pháp ở trong thế gian;
                         Không rời thế gian mà có giác ngộ.
                         Rời thế gian cầu sự giác ngộ,
                        Thì cũng như tìm sừng con thỏ vậy”.
      Đức phật còn dạy một cách triệt để rằng “chúng sanh là tịnh độ của Bồ tát, nên Bồ tát làm gì cũng vì chúng sanh”. Và ví dụ rằng hoa sen chỉ mọc ở bùn lầy : giác ngộ không phát sanh từ yên tĩnh mà đẻ ra ở trong phiền não.
4. Phật học : đạo thể nghiệm.
      Phật học như thật, phá hoại triệt để, kiến thiết đến cùng như vậy, nên cái điểm chính cuối cùng của nó là “thể nghiệm”
      Thế nào gọi là thể nghiệm ? hãy lấy một ví dụ như thế này cho dễ hiểu. Một người thông thái có thể phân chất trong một trái chanh thành phần gồm có những gì, và kết luận rằng chua. Một người nếm ngay vào trái chanh, người ấy biết chua. Cái chua của người nếm là sự thể nghiệm vậy. Còn cái kêt luận của nhà thông thái kia chỉ là lý giải. Mà Phật học thì cần thể nghiệm. Nói cho rõ ràng hơn, cái đích mà Phật học cần phải đến là thể nghiệm còn lý giải chỉ là phương tiện. Phật học cần thiết nó nhưng không đứng lại ở đó. Hơn nữa, nên lý giải mà không thể nghiệm, thì lý giải chỉ là lý giải và có khi đi đến chỗ sai lầm. Nên Phật học thì nói giai đoạn cuối cùng của cái giác ngộ thường dùng chữ “Chứng”. Chứng nghĩa là trí tuệ in như sự thật, ăn nhập với sự thật, tức là thể nghiệm. Nói một cách khác, tức là Như thật vậy. Cho nên muốn “Chứng” (thể nghiệm), Phật học đi từ lý giải (quan sát) đến kiến thiết (thực hành). Và chúng đúng nghĩa là như thật : từ thỉ chí chung, Phật học đúng là cái học như thật.
      Cái học như thật ấy nó đem lại những gì cho thế gian ? Nó quan hệ với thế gian như thế nào ? Ai cũng tự mình giải đáp cho mình được, khi đã hiểu những điểm chính của Phật học.
      Tuy vậy, cũng có người vẫn không thừa nhận giá trị chân thật hiển nhiên của nó. Tại sao ? tôi nhớ đến một thí dụ trong kinh : có hai con cá ở trong một dòng sông. Một hôm tình cờ một trong hai con ấy bị người đánh chài vớt lên được trên bờ song. Nó mục kích được bao nhiêu cao rộng của trời đất, bao nhiêu sum la của cỏ cây. Rồi may mắn nó được nhảy thoát xuống song và gặp bạn cũ, bèn kể lại những điều thấy nghe. Bạn nó càng nghe càng ngó nó bằng cặp mắt nghi ngờ. Nghe xong bạn nó hỏi : cái anh thấy đó nó mênh mông trăng bạc như nước sông này ư ? – không phải – nó như rong như cỏ như tôm như ốc kia ư ? – không phải. Tức thì bạn nó bảo : anh nói tôi không thể tin được nữa. Than ôi ! thế gian đâu có cảnh giới mà cái gì cũng không phải như thế ? thế rồi bạn nó quẩy vi bỏ đi. Nó nhìn theo với một sự ngạc nhiên không kém bạn nó nhìn nó. Nhưng khó hiểu.
                                                                             30.8.1493
                                                                                  Tq

No comments:

Post a Comment