Friday, April 1, 2011

PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

Thế nào gọi là bồ đề ?
      Chữ “bồ đề” nguyên dịch âm chữ Boddhi của tiếng phạn mà ra. Chữ ấy dịch ý cho đúng thì phải dịch là giác, ý nghĩa là trí giác hay giác ngộ.
Đối lập với trí giác hay giác ngộ là mê hoặc. vì vậy, bồ đề là luôn luôn phản lại mê hoặc, tiêu diệt mê hoặc.
Nhưng mê hoặc với trí giác chỉ là hai dụng của Tâm tánh. Nên đồng là biết mà biết sai thì gọi là mê, biết đúng thì gọi là giác ; ví như một cánh tay mà chỉ lên thì gọi là xuôi, còn chỉ xuống thì gọi là ngược, chứ không chi khác.
Bởi vậy nên trong kinh nói bồ đề là trí giác của tất cả chúng sanh sẵn có. Và khi nào chúng ta phát triển trí giác ấy triệt để, hoàn toàn sang suốt, tiêu trừ mê hoặc không còn mảy may nào nữa, thì khi ấy gọi là Vô thượng bồ đề (trí giác tuyệt đối).
Thế nào gọi là “bồ đề tâm” ?
      Như trên kia đã cắt nghĩa, chúng ta thấy : a) cái trí giác (biết đúng) của Tâm gọi là bồ đề, b) khi trí giác ấy phát triển đến giai đoạn hoàn toàn thì thiệt mới gọi là bồ đề hay Vô thượng bồ đề. Vậy bồ đề tâm là thế nào ? cắt nghĩa vắn tắt thì có 2 ý nghĩa sau đây :
1) Cái tâm chí, cái thệ nguyện cầu mong Vô thượng giác (vô thượng bồ đề) gọi là bồ đề tâm ;
2) Tâm tánh chúng ta có trí giác (sự hiểu biết đúng đắn) nên gọi là bồ đề tâm.
Như lửa đặc tánh là nóng, nước đặc tánh là lỏng. Tâm cũng vậy, đặc tánh của nó là bồ đề (nhận thức, phân biệt). Nhưng áp dụng đặc tánh ấy sai thì gọi là mê, mà áp dụng đúng thì gọi là ngộ. Thành thử, cắt nghĩa cho rộng rãi thì chính vì tâm có đặc tánh “biết” (bồ đề) nên gọi là bồ đề tâm. Và có cái đặc tánh ấy nên mới có thể có cái chí nguyện mong cầu vô thượng giác : cái năng lực ấy và cái chí nguyện ấy cũng gọi là bồ đề tâm.
Thế nào gọi là “phát bồ đề tâm ?
      Hiểu “bồ đề” là gì và thế nào gọi là “bồ đề tâm” rồi, bây giờ “phát bồ đề tâm” là thế nào ? chúng ta có thể hiểu một cách rõ ràng lắm :
1) Chữ “phát” nghĩa là lập ; lập chí nguyện mong cầu Vô thượng bồ đề, gọi là phát bồ đề tâm.
2) Chữ “phát” lại có nghĩa là phát triển : phát triển cái đặc tánh giác ngộ của Tâm, gọi là phát bồ đề tâm.
Bởi vậy, sự tu hành bắt đầu lập chí nguyện rộng lớn, chí nguyện trên mong cầu trí giác tuyệt đối dưới giáo hóa lợi ích cho tất cả các loài chúng sanh, thì gọi là “Phát bồ đề tâm”. Phát chí nguyện ấy rồi, trung gian dùng ba chữ phương pháp nghe học (văn), suy nghĩ (tư) và thực hành (tu) mà phát triển cái đặc tánh trí giác của tâm, thì mới thật là “phát bồ đề tâm”.
Cuối cùng, khi trí giác hoàn toàn sang suốt, như đìa gương lớn hết bụi bặm, chiếu soi sự vật một cách rõ ràng, nói tóm tắt, nghĩa là đã được Vô thượng bồ đề, thì đó mới là phát triển bồ đề tâm một cách cứu cánh.
Ấy vậy, tự thỉ chí chung của con đường tu hành chỉ là PHÁT BỒ ĐỀ TÂM.
Làm thế nào có thể phát bồ đề tâm ?
      Những điều kiện làm cho bồ đề tâm được phát ra có hai phần : một, những điều kiện ở trong gọi là nhân. Hai, những điều kiện ở ngoài giúp thêm gọi là duyên.
“Duyên” ở ngoài là nhờ sự giáo hóa điều phục của các vị Thiện tri thức, các đức Phật, các vị Bồ tát, hoặc nhờ thánh giáo kích thích, hoặc nhờ suy nghĩ đến những nỗi khổ của chúng sanh. Nói chung là tất cả mọi điều kiện hoặc thuận hoặc nghịch mà có thể làm cho bồ đề tâm phát ra được, đều gọi là duyên cả.
“Nhân” là cái năng lực ở trong, tức là lòng đại bi thương giúp chúng sanh, là cái tự giác giác ngộ quan sát. Nói tổng quát thì nhân của bồ đề tâm tức là vô lậu chủng tử trong đó có chủng tử của huệ tâm sở.
Phát bồ đề tâm, dù về mặt mong cầu Vô thượng giác, dù về mặt phát triển trí giác của tâm, mặt nào cũng phải do có vô lậu chủng tử ở trong được kích thích bởi các duyên thù thắng ở ngoài mới phát ra được. Trong Phật giáo không một cái gì, dù là Tâm bồ đề vô thượng đi nữa, mà không do nhân duyên phát hiện ; nói tự nhiên có là một điều những người Phật tử không thể thừa nhận được.
      Tóm tắt, bước đầu của người tu hành là phát bồ đề tâm bằng cách lập chí nguyện mong cầu Vô thượng giác, nghĩa là trên cầu trí giác, dưới độ chúng sanh. Cái nhân của sự phát bồ đề tâm ấy là lòng từ bi nghĩ đến nỗi khổ của muôn loài và sự hy vọng đối với trí giác của chư Phật, cái duyên của sự phát bồ đề tâm ấy là văn tư tu chánh pháp.
Kinh Hoa nghiêm có nói : “Quên mất tâm bồ đề mà thực hành các điều thiện thì đó là ma nghiệp”. Xem đó chúng ta thấy nếu không dùng duyên như vậy kích thích nhân như vậy để lập cái chí nguyện cao cả, cái chí mong cầu Vô thượng biến giác, thì bao nhiêu việc làm của chúng ta chỉ như xây lâu dài trên hư không : “việc không thể có được”, đó là lời Phật dạy trong kinh Duy ma.
                                                                2.8.2493
                                                                    Tq

No comments:

Post a Comment