Friday, April 8, 2011

TÂM


1. Thế nào gọi là Tâm ?
Chữ phạn là cita, Tàu dịch ý là Tâm, lắm khi cũng gọi là thức. Nắm lấy cương lãnh của tất cả nghĩa lý thuyết minh về Tâm của Phật học mà cắt nghĩa thì có 3 ý :
a) Phân biệt gọi là Tâm – thế nào gọi là “phân biệt” ? Nghĩa đen của chữ ấy là chia khác. Vậy không những nhận thức phân biệt thứ bị biết này với thứ bị biết kia mới gọi là phân biệt, mà ta lấy một ví dụ cho rõ, như con giun bò đụng hòn thân lửa tức thời nó thụt lùi lại dù nó không biết hòn than đỏ là gì và phía sau nó thụt lùi lại có những gì. Nó thụt lùi lại chỉ vì “bản năng bảo vệ sự sống” vốn có của nó (nói như thuật ngữ Phật học, là câu sanh ngã chấp). Đó cũng là “phân biệt”. Nói tóm hễ phân biệt thì gọi là tâm thức.
b) Tập khởi gọi là tâm – Tâm “phân biệt” phát hiện được là do những khả năng vốn có của nó (gọi theo thuật ngữ là bản hữu chủng tử). Những khả năng này quan hệ với nhau, kích động nhau. Chính do sự quan hệ kích động nhau đó mà những khả năng ấy phát hiện lên (theo thuật ngữ là hiện hành). Sự phát hiện đó lại tăng thêm và kích động cho khả năng vốn có, sự tăng thêm và kích động này gọi theo thuật ngữ là huân tập (và khả năng vốn có bây giờ gọi là tập hành chủng tử). Khả năng vốn có do sự huân tập mà phát hiện lên. Hết thảy hiện tượng về không gian và thời gian chỉ là sự liên tục phát hiện của các khả năng ấy. Ý niệm về thời gian chỉ do sự liên tục của khả năng, ý niệm về không gian chỉ là sự liên hệ của khả năng.
Và Tâm là gì ? là cái cá thể của các khả năng, là chủ thể của sự huân tập (tập) và phát hiện (khởi) của khả năng, nên nói “tập khởi gọi là tâm”, và tập khởi tâm ấy gọi theo thuật ngữ là A đà na thức.
c) Chân tánh gọi là Tâm – Chân tánh là thể tánh chân thật. Chân tánh này có 2 nghĩa :
1) A đà na lấy một phía khả năng thuần túy. Nơi cả thể A đà na, những khả năng đại khái có hai loại : thanh tịnh (vô lậu) và tạp nhiễm (hữu lậu). Ở đây chỉ lấy loại thứ nhất. Cả thể A đà na và khả năng thuần túy ấy gọi là Chân tánh.
2) Chân như của cả thể A đà na gọi là chân tánh.
Cả 2 nghĩa chân tánh ấy, vì là chân tánh của tâm nên cũng tức nghĩa của tâm.
Trong phật học, ngoài những chổ nói tâm với những nghĩa thông thường, phần nhiều ở Tiểu thừa hay nói phần thứ nhất, nghĩa ấy gọi là Duyên lựu tâm. Trong Duy thức học của Đại thừa phần nhiều hay nói nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ hai. Nghĩa thứ hai gọi là Tập khởi tâm. Còn các kinh luân chí cực của Đại thừa lại phần nhiều hay nói nghĩa sau hết, nghĩa Kiên thật tâm.
Nhưng A đà na là cả thể, phân biệt là dụng, còn chân tánh là tánh : 3 nghĩa trên chỉ là 3 tên của tâm mà thôi. Tùy trường hợp, chúng ta phải hiểu chữ tâm mỗi nơi mỗi khác. Nhưng đến cùng thì phải hiểu TÂM với những ý nghĩa như vậy mới cụ thể.
2.  Những quan niệm sai lầm.
Hầu hết tất cả chúng ta hễ nghe nói đến tâm thì tức thời có 3 quan niệm sau đây ;
- Tâm ở trong thân
- Tâm là những hiện tượng lý trí, tình cảm và ý chí.
- Tâm là biết, đối lại với cái bị biết là vật.
Do những quan niệm này tạo thành một nhận định về tâm, hầu như thành thói quen rằng tâm khác với vật, trong vũ trụ có hai loại ấy đối lập hẳn nhau.
Phải nói mau lẹ rằng những quan niệm ấy đối với chữ tâm của Phật học chỉ là những ngộ nhận.
Trước hết, cái thành kiến tim não là tâm thì ngàn xưa Phật học đã bảo đó là nhục đoàn tâm, là khối thịt có khác với ngoại vật (khối thịt ở ngoài) bởi chỗ có “chấp thọ” hay không mà thôi.
Còn vật chất ? khoa học nói những năng lực chậm nhất làm cho ta có cảm giác là  vật chất. Phật học nói chỉ là hiện hành của chủng tử (khả năng) liên tiếp phát hiện, như vòng lửa chỉ do cây hương liên tiếp quay ra.
Hết thảy hiện hành gồm có hai phần là biết (kiến phần) và bị biết (tướng phần). Đứng trên nguyên tắc “chủng tử sanh hiện hành” thì khả năng nào phất hiện hiện hành ấy, nhưng đứng trên nguyên tắc “hiện hành sanh hiện hành” thì sự phát hiện này liên hệ với sự phát hiện khác. Cho nên có hoa (bị biết) mới có sự thấy (biết), nhưng cái thấy ấy không có hạt giống (khả năng) của nó thì cái hoa kia trước mắt chỉ như trước cặp kính mà thôi, không thể có sự thấy được.
Và tất cả hiện hành biết, bị biết, đều chỉ là tác dụng của tâm, của A đà na, như hết thảy hiện tượng chỉ là biểu tướng của năng lượng. (Đứng về A đà na mà nói thì năng lượng cũng chỉ hiện hành và năng lượng đối với hiện tướng chỉ là hiện hành sanh hiện hành).
Những hiện tượng về tâm lý mà thông thường cho là tâm chỉ là một vài tác dụng về loại biết của tâm trong phạm vi con người. Còn thân thể đối với tâm thì ta có thể ví dụ tuy không được đúng lắm, rằng chỉ như điện khí không gian một phần thu vào bóng đèn, mà những tâm của người ta nói chỉ như ánh sáng ấy.
Nhưn thật ra biết là tâm, bị biết cũng là tâm, thân là tâm mà cảnh cũng là tâm. Khắp không gian, cùng thời gian, đâu là hiện hành thì đó do chủng tử phát hiện và chủng tử chỉ là khả năng, hiện hành chỉ là biểu tướng của tâm mà thôi
                                                                                                                       30.8.2493
                                                                                                                            Tq

No comments:

Post a Comment